10:06, 24/06/2024

4 Điều không còn giúp CV của bạn toả sáng

Bạn dành hàng tiếng đồng hồ vắt óc để nghĩ xem cần viết thêm gì vào CV của mình, nhưng thường chỉ mất vài phút đến vài chục phút để đọc lại, xem còn điều gì cần cắt bớt. Đó là lỗi chính tả, là một khoảng cách bị dư giữa các chữ, là vài từ khoá chưa thể hiện chính xác điều bạn muốn. Nhưng đôi khi thứ bạn thực sự cần loại khỏi CV của mình lại là những thứ bạn tin là quan trọng nhất. Bên dưới là 4 điều thường xuất hiện trong các CV nhưng thực tế có khả năng gây tác dụng ngược cho mục tiêu tạo ấn tượng của bạn.
share facebook

1. Mục tiêu nghề nghiệp (chung chung)

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV cách để bạn đạt điểm cộng

Đây là hàng chữ trên cùng của một chiếc CV và cũng là nơi hành trình “văn mẫu” của chúng ta bắt đầu.

  • Tôi mong muốn nâng cao kỹ năng bán hàng và giao tiếp để trở thành một nhân viên kinh doanh xuất sắc.
  • Mục tiêu của tôi là trở thành một chuyên viên Business Analyst thật vững chuyên môn, đóng góp vào việc phân tích và cải thiện quy trình kinh doanh của tổ chức.
  • Phát huy hết khả năng của mình đóng góp sự thành công của Công ty. Trở thành một nhân viên IT chuyên nghiệp, mang đến nhiều sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.

Hãy thành thật với nhau, mục tiêu xin việc của hầu hết chúng ta thường rất đơn giản: được tuyển dụng, dù kế hoạch dài hạn 3 năm, 5 năm của bản thân có là gì đi nữa. Thế nhưng, 3 chữ đơn giản đó không bao giờ xuất hiện ở vị trí “Mục tiêu nghề nghiệp”. Thay vào đó, chúng ta lấp vào chỗ trống bằng những cụm từ chung chung mà ngay chính chúng ta cũng chưa hẳn đã tin vào nó.

Theo Kristi DePaul, chuyên gia về xây dựng thương hiệu cá nhân chia sẻ trên tờ HBR: mục tiêu nghề nghiệp đã là một thứ “cũ rích” và nói về nó chỉ tổ “tốn đất”. Khi trung bình trong đời một người có thể nhảy việc 12 lần và nhảy nghề từ 3 đến 7 lần (theo thống kê của Cục Thống kê Lao động Mỹ) thì việc khẳng định mục tiêu nghề nghiệp dần trở thành một thủ thuật để chứng minh với nhà tuyển dụng hơn là thứ thực sự có giá trị định hướng.

Ngay cả khi chúng phản ánh đúng động lực làm việc của bạn đi nữa thì chúng cũng không còn “phép màu” gây ấn tượng như xưa nữa.

Thay vào đó, theo Kristi, hãy viết một dòng tiêu đề đơn giản mô tả chuyên môn của bạn, chẳng hạn như “content creator”, “marketing specialist”. Hoặc bạn có thể tóm tắt trong 3-5 câu các khả năng chuyên môn, mối quan tâm và thành tích nghề nghiệp của bạn, nhằm giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng hiểu được những gì bạn có thể mang tới cho vị trí mới.

2. Danh sách (dài dằng dặc) các kỹ năng mềm

Soft Skills – Inherent Or Learned?, 50% OFF

Có thể bạn đang nghĩ, “Chẳng phải có nhiều kỹ năng mềm là một điều tốt sao?”

Đúng, nhưng phàm cái gì nhiều quá cũng phản tác dụng. Thậm chí bài viết “Resumes Are Messing Up Hiring” của tờ HBR còn cho rằng việc liệt kê các kỹ năng - skills (bạn biết cách làm điều gì đó) không mang đến nhiều tác dụng, bởi chúng không thể hiện được bạn có năng lực - competencies (làm được việc, với tốc độ nhanh và độ tin cậy cao).

Thay vì liệt kê cho nhiều, hãy tập trung vào 2 hoặc 3 kỹ năng hàng đầu có liên quan đến vị trí tuyển dụng. Sau đó, sử dụng phương pháp STAR để giải thích cách bạn sử dụng những kỹ năng mềm đó để mang lại lợi ích cho nhà tuyển dụng của mình như thế nào. Trong đó:

  • S là Situation, bối cảnh dự án.
  • T là Task, nhiệm vụ bạn được giao.
  • A là Action, hành động bạn đã làm.
  • R là Result, kết quả bạn đạt được.

Ví dụ: Thay vì chỉ nói rằng bạn giỏi đa nhiệm, tốt hơn nên đề cập đến những điều như “Đã dẫn dắt x dự án từ đầu đến cuối, dẫn đến tăng y% doanh thu trong dự án Z”.

Nghĩa là bạn không nhất thiết phải tạo một mục riêng là “kỹ năng” trong CV, mà có thể lồng ghép nó trong phần kinh nghiệm.

3. Sở thích cá nhân (không liên quan)

Có lẽ hầu hết mọi người đều tin rằng sở thích càng độc đáo càng khiến họ nổi bật hơn so với các ứng viên khác.

Tuy nhiên, như cách vận hành của mọi mối quan hệ khác. Quan trọng không phải là bạn độc đáo thế nào, mà là bạn phù hợp thế nào. Nhà tuyển dụng thường không quan tâm đến việc bạn sử dụng thời gian rảnh như thế nào - ít nhất là không ngay lập tức, giữa một loạt những thông tin khác liên quan chặt chẽ hơn tới yêu cầu công việc.

Một nghiên cứu từ Hiệp hội Quản lý nguồn nhân lực (SHRM) cũng chỉ ra rằng ở lần đầu tiên xét duyệt hồ sơ của một ứng viên, các nhà tuyển dụng chỉ dành trung bình vài giây. Thế nên họ sẽ chỉ tập trung vào việc tìm kiếm các từ khóa cho thấy ứng viên này phù hợp với yêu cầu.

Điều này cũng mở ra một trường hợp ngoại lệ: bạn có thể nhắc đến sở thích của mình nếu nó liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Ví dụ, nếu bạn đang ứng tuyển vị trí truyền thông cho một nhà hàng, bạn có thể đề cập đến sở thích nấu nướng của mình.

Sở thích cá nhân trong đơn xin việc có cần thiết hay không?

4. Thông tin người tham chiếu (References)

Đôi khi 10 câu bạn tự nói về bản thân không bằng 1 lời người khác nói về bạn. Thế nên, việc để lại thông tin người tham chiếu trong CV thường được xem là một cách bạn ngầm nói với nhà tuyển dụng rằng bạn là người tạo được uy tín và biết cách làm việc với người khác.

Tuy nhiên, theo Leto Papadopoulos, chuyên gia tham vấn sự nghiệp (career coach) của The Muse, “Các công ty thường chỉ cần đến thông tin người tham chiếu như một bước kiểm tra cuối cùng, trước khi họ đưa ra quyết định tuyển dụng.” Bởi ngày nay sự kết nối của internet giúp việc biết về thông tin của một ai đó không còn khó. Một nút like, một câu bình luận của bạn trên Facebook hay LinkedIn cũng ít nhiều cho nhà tuyển dụng biết được mối quan tâm và tính cách của bạn.

Ngoài ra, việc thêm thông tin này vào cũng làm mất “đất” để bạn mở rộng thông tin trong phần kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của mình. Thế nên, bạn không nhất thiết phải cung cấp thông tin này khi chỉ mới nộp đơn xin việc.

Thay vào đó, bạn có thể đưa vào lời nhận xét của đồng nghiệp/sếp cũ viết, tất nhiên nếu đó thực sự là những gì họ đã viết dành cho bạn. Chúng giống như những dòng chữ bình luận ngắn gọn của các nhà phê bình trên các poster phim, tuy nhỏ nhưng có võ (vâng, tất nhiên nếu chúng đến từ người uy tín). Thậm chí nếu có, hãy đính kèm lá thư giới thiệu từ một người uy tín trong nghề mà bạn quen biết, và quan trọng, họ phải là người đủ thân thiết và hiểu rõ bạn.

Kết

Người ta hay nói “đừng đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó”, nhưng thực tế cho thấy rằng con người là sinh vật thị giác – chúng ta có bản năng đánh giá mọi thứ. Mỗi “tấc đất” trên một trang CV nên được sử dụng hiệu quả, với quy tắc rõ ràng, trung thực và phù hợp. Lúc đó CV của bạn không chỉ toả sáng bởi tính thực tế của nó, mà còn vì thái độ tôn trọng thời gian của bạn dành cho nhà tuyển dụng.

(Nguồn ảnh: Internet)

vietcetera.com

share facebook
Author

Tác giả:

DNSE Talents

Đã đóng góp: 42 bài viết

Bài viết liên quan

Mối tương quan giữa Investment Banking và Private Equity

Mối tương quan giữa Investment Banking và Private Equity

Trong bức tranh đa dạng của ngành tài chính, Investment Banking (IB) và Private Equity (PE) nổi bật như hai ngành có nhiều điểm tương đồng và khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều hoạt động. Hiểu được sự giao thoa này không chỉ mở ra cánh cửa các cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn mà còn giúp những nhân sự theo đuổi lĩnh vực Đầu tư Tài chính nắm bắt được cách thức cộng tác và tối ưu hóa khả năng của mỗi vị trí. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về hai ngành này và những điểm tương đồng của chúng.

Nên học Angular hay React? So sánh 2 framework

Nên học Angular hay React? So sánh 2 framework

Angular và React là hai công nghệ được nhiều anh em lập trình Frontend quan tâm, lựa chọn làm định hướng sự nghiệp. Mặc dù đều là những framework/thư viện JavaScript nhưng cách phát triển, xây dựng ứng dụng giữa 2 nền tảng này có sự khác nhau lớn; vì vậy việc lựa chọn theo một hướng ngay từ đầu là điều quan trọng đối với lập trình viên. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu về 2 công nghệ này để giúp bạn có thể trả lời câu hỏi rằng nên học Angular hay React nhé.

Phân biệt các role của QA Engineering: Skills, Tools, và Responsibilities trong một Testing Team

Phân biệt các role của QA Engineering: Skills, Tools, và Responsibilities trong một Testing Team

Các kỹ sư đảm bảo chất lượng là rất quan trọng đối với mỗi phát hành sản phẩm công nghệ. Tùy thuộc vào quy mô và cấu trúc team, QA được xem xét và thực hiện những công việc khác nhau, nhưng phù hợp với nhu cầu cụ thể của tổ chức. Theo dõi bài viết dưới đây để phân biệt các role của QA Engineering nhé!

entradex-dien-thoai
MIỄN PHÍ TRỌN ĐỜITiết kiệm phí giao dịch
150K/100 triệu