07:04, 14/04/2025
Những điều cần trang bị trước ngày onboard
1. Chuẩn bị về tâm lý
Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trước khi bắt đầu công việc mới chính là tâm lý. Onboarding không phải là một “cuộc kiểm tra” hay “vòng đánh giá tiếp theo”, mà là quá trình giúp nhân sự mới làm quen với văn hóa doanh nghiệp, bộ máy vận hành, quy trình công việc và con người trong tổ chức.
Do đó, thay vì áp lực phải thể hiện hay đạt thành tích ngay lập tức, điều cần thiết là giữ cho mình một thái độ cầu thị, cởi mở, sẵn sàng học hỏi và lắng nghe. Sự chủ động tiếp cận thông tin, tinh thần hợp tác và thái độ tích cực chính là nền tảng để bạn nhanh chóng thích nghi và phát triển bền vững trong môi trường mới.
2. Tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp
Trước khi chính thức làm việc, bạn nên dành thời gian nghiên cứu sâu hơn về doanh nghiệp mình sắp gia nhập:
-
Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi: Giúp bạn hiểu được định hướng chiến lược và văn hóa mà doanh nghiệp đang xây dựng.
-
Sản phẩm, dịch vụ, thị trường và khách hàng mục tiêu: Làm rõ tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực nào, đối tượng phục vụ ra sao và có ưu thế gì nổi bật.
-
Văn hóa tổ chức và phong cách làm việc: Có thể tham khảo thông qua website, fanpage, các bài viết truyền thông nội bộ hoặc qua người giới thiệu.
Việc nắm bắt đầy đủ các thông tin này không chỉ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập, mà còn thể hiện sự chủ động và tôn trọng doanh nghiệp.
3. Chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầy đủ
Trong ngày onboard, bạn sẽ cần hoàn tất các thủ tục hành chính. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo hướng dẫn của phòng Nhân sự. Một số hồ sơ thường được yêu cầu bao gồm:
-
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (bản gốc và bản sao).
-
Sổ hộ khẩu (photo).
-
Sơ yếu lý lịch có công chứng.
-
Ảnh thẻ (3x4 hoặc 4x6).
-
Bằng cấp, chứng chỉ liên quan.
-
Số tài khoản ngân hàng cá nhân.
-
Mã số thuế cá nhân (nếu đã có).
Việc chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên không chỉ giúp quy trình onboarding diễn ra nhanh chóng, mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và cẩn trọng của bạn trong công việc.
4. Chú ý tác phong và trang phục
Ấn tượng đầu tiên luôn có giá trị nhất định, đặc biệt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Trang phục ngày đầu tiên nên gọn gàng, lịch sự và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
-
Trong môi trường sáng tạo, khởi nghiệp: Bạn có thể lựa chọn trang phục năng động nhưng vẫn cần chỉnh tề, sạch sẽ.
-
Trong môi trường tài chính, hành chính, pháp lý: Trang phục công sở truyền thống, nghiêm túc là lựa chọn phù hợp hơn cả.
Ngoài ra, hãy lưu ý giữ gìn tác phong đi đứng, cách chào hỏi và giao tiếp chuẩn mực. Một thái độ điềm tĩnh, lễ phép, thân thiện sẽ là “tấm danh thiếp” đầu tiên của bạn trong mắt đồng nghiệp và cấp quản lý.
5. Ghi nhớ các thông tin cần thiết trong ngày đầu
Một số thông tin bạn nên ghi nhớ và lưu trữ sẵn trong điện thoại/sổ tay cá nhân:
-
Địa chỉ công ty, tên tòa nhà, tầng làm việc cụ thể.
-
Thời gian có mặt và tên người phụ trách tiếp đón.
-
Số điện thoại liên hệ của bộ phận Nhân sự.
-
Quy định về gửi xe, ra vào văn phòng hoặc sử dụng thẻ nhân viên (nếu có).
Để tránh sự cố đáng tiếc, hãy đến sớm ít nhất 15–20 phút, chuẩn bị tinh thần bình tĩnh và linh hoạt xử lý mọi tình huống bất ngờ.
Ngày đầu tiên đi làm không chỉ là một buổi sáng bước vào văn phòng mới, mà còn là sự khởi đầu của một hành trình dài phía trước. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tâm lý, tác phong, hồ sơ cá nhân và tinh thần sẽ giúp bạn tự tin hơn, đồng thời tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt đồng nghiệp và cấp trên.
Tìm hiểu thêm các job của DNSE tại đây
Nguồn ảnh Internet